Trong bối cảnh gia tăng đột biến nhu cầu về nhân sự ở lĩnh vực truyền thông, báo chí và các dịch vụ liên quan đến truyền thông như sản xuất chương trình truyền hình, tổ chức sự kiện, phát triển thương hiệu,… các doanh nghiệp, cơ quan thông tin - truyền thông và giới cung cấp dịch vụ sẽ phải đầu tư một cách tối đa vào việc tuyển dụng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, chất lượng để có thể trụ vững và khẳng định chỗ đứng của mình. Đây cũng chính là cơ hội tốt cho những bạn sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng hay Công nghệ truyền thông phát triển tương lai.
Tuy nhiên không phải thí sinh nào cũng phân biệt được giữa hai ngành Công nghệ truyền thông và Quan hệ công chúng có gì khác nhau, chương trình học của mỗi ngành ra sao, sau khi tốt nghiệp có thể làm những vị trí công việc cụ thể gì? Bài viết sẽ giúp các bạn giải đáp khúc mắc này.
Vậy ngành Công nghệ truyền thông và Quan hệ công chúng thực sự khác nhau như thế nào?
Để phân biệt được sự khác nhau giữa Công nghệ truyền thông và Quan hệ công chúng, trước tiên chúng ta cần biết rõ khái niệm của hai ngành học này.
Công nghệ truyền thông là một ngành học thiên về ứng dụng các công nghệ vào hoạt động truyền thông. Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị các kiến thức, kĩ năng thực hành công nghệ thông tin, các kĩ thuật về sản xuất, phát triển, quản trị các sản phẩm truyền thông…Bên cạnh đó, khi học Công nghệ truyền thông, sinh viên sẽ được trang bị một số kiến thức về quá trình tổ chức, quản lí các công việc trong lĩnh vực sản xuất truyền thông như, các chương trình phát thanh, truyền hình, sản xuất phim điện ảnh, quảng cáo, các sản phẩm truyền thông nghe nhìn khác,…
Thí sinh tìm hiểu thông tin các ngành nghề của UEF
Ngành Quan hệ công chúng là ngành học thiên về hướng ngoại nhiều hơn với mảng truyền thông báo chí hoặc quản lý – tổ chức sự kiện. Người tốt nghiệp ngành này sẽ thực hiện các công việc liên quan đến các chiến lược để tạo cầu nối giữa doanh nghiêp, tổ chức với khách hàng và cộng đồng, giới truyền thông,… nhằm quảng bá, khẳng định thương hiệu, tên tuổi, giới thiệu sản phẩm hoặc đơn vị của mình trong toàn bộ hoạt động và quá trình phát triển.
Chương trình học của ngành Công nghệ truyền thông và Quan hệ công chúng ra sao?
Là hai ngành học có nhiều điểm tương đồng nhau, tuy nhiên mỗi ngành sẽ có những thế mạnh chuyên môn nhất định.
Theo đó, tại UEF sinh viên ngành Công nghệ truyền thông và Quan hệ công chúng được đào tạo chuyên sâu theo hai hướng khác nhau để phù hợp với công việc. Cụ thể là:
Khi học ngành Công nghệ truyền thông các bạn sẽ được cung cấp các kiến thức về truyền thông đa phương tiện, cơ sở đồ hoạ máy tính, cách xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, tổ chức và quản lí đánh giá các chiến dịch truyền thông.
Bà Trương Thụy Tường Vy – Giám đốc sản xuất công ty Cát Tiên Sa chia sẻ về quy trình sản xuất chương trình truyền hình với sinh viên UEF
Với ngành Quan hệ công chúng, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về xây dựng quảng bá thương hiệu, PR, quảng cáo tiếp thị, các thức tổ chức một chương trình, quan hệ công chúng nội bộ và cộng đồng, sự kiện và nhân vật, tổ chức các sự kiện, intership,…
Sự khác nhau về vị trí công việc của cử nhân ngành Công nghệ truyền thông và Quan hệ công chúng
Ngoài dựa vào kiến thức chuyên ngành, các bạn cũng có thể phân biệt sự khác nhau giữa ngành Công nghệ truyền thông và Quan hệ công chúng dựa vào vị trí nghề nghiệp.
Cử nhân ngành Công nghệ truyền thông có thể đảm nhận các công việc sau:
- Chuyên viên thực hiện, phát triển các chương trình hoặc ứng dụng truyền thông.
- Chuyên viên kinh doanh tài trợ, kinh doanh quảng cáo, thời lượng phát sóng, bản quyền phim, chương trình…
- Chuyên viên marketing cho phim ảnh, chương trình, nhà xuất bản, kênh truyền hình…
Cử nhân ngành Quan hệ công chúng có thể làm các công việc như:
- Chuyên viên quan hệ công chúng phụ trách báo chí, cộng đồng, tổ chức sự kiện, truyền thông nội bộ tại các doanh nghiệp, tập đoàn…
- Phóng viên, biên tập viên báo chí, truyền thanh, truyền hình.
- Chuyên viên phân tích và tư vấn quan hệ công chúng tại các đơn vị quản trị, xây dựng và phát triển thương hiệu…
Ngày nay, Công nghệ truyền thông lẫn Quan hệ công chúng đều là ngành học thu hút nhiều bạn trẻ. Tuỳ vào tố chất của bản thân và sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai, thí sinh nên phân biệt được sự khác nhau giữa ngành Công nghệ truyền thông và Quan hệ công chúng để có thể chọn được ngành phù hợp. Tại UEF, cả hai ngành này đều được đào tạo theo phương thức song ngữ, với tiếng Anh là công cụ góp phần lớn cho lộ trình nghề nghiệp của các bạn sau này.
Quyền Cương