Chiều nay (ngày 14.4), đại diện Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF), Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông đã tham dự chương trình truyền hình trực tuyến do báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức với chủ đề “Nộp hồ sơ đăng ký dự thi và chọn trường sao cho đúng?”.
Tại buổi tư vấn, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM cùng các chuyên gia đến từ các trường đại học đã tập trung giải đáp các thắc mắc liên quan đến quy chế thi và xét tuyển, tư vấn cách chọn trường và ngành thi phù hợp, đặc biệt hướng dẫn thí sinh cách thức khai hồ sơ.
Các vị khách mời tham gia buổi truyền hình trực tuyến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân cho biết học sinh lớp 12 và thí sinh tự do đang trong giai đoạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2016. Mặc dù đã thu thập nhiều thông tin trước đó nhưng đây cũng là thời điểm thí sinh cũng cần đánh giá, xem xét lại để có thể nộp hồ sơ đăng ký dự thi các môn sao cho có nhiều khả năng trúng tuyển hoặc nhiều cơ hội xét tuyển.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM lưu ý một số vấn đề quan trọng là khi làm hồ sơ dự thi, thí sinh cần viết đẹp, sạch, rõ ràng. Ngoài thông tin cá nhân, còn có thông tin cần thiết là số điện thoại và địa chỉ email. Thông tin này được nhập vào dữ liệu chung, các em sẽ được gửi 1 tài khoản và mật khẩu, và các em sẽ dùng tài khoản này kiểm tra sai sót ngay sau khi nộp hồ sơ. Sau ngày 20.7 sử dụng tài khoản này xem kết quả thi. Các trường tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, thí sinh vẫn sử dụng tài khoản và mật khẩu này để đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Mục đối tượng ưu tiên: các em cần ghi thông tin chính xác để tránh trường hợp ghi sai, sẽ cộng nhầm điểm hoặc không được cộng điểm gây thiệt thòi sau này.
Về lựa chọn môn thi, các em đăng ký 4 môn để xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó có 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn. Năm nay có nhiều tổ hợp môn, tuy nhiên các em đăng ký nhiều môn quá sẽ không có thời gian ôn tập, nên đăng ký 5 môn trở lại. Giỏi tự nhiên thì đăng ký thêm môn lý, hóa, nếu giỏi các môn xã hội thì đăng ký thêm sử, địa.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Dưới đây là phần giải đáp dành cho các thí sinh tại buổi Tư vấn:
Một học sinh hỏi: Em muốn học ngành thương mại điện tử, xét học bạ có được nhận học bổng hay không? Nên học trường nào?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF): Năm 2016, UEF tuyển sinh với 2 hình thức, kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét học bạ THPT. Ngành thương mại điện tử xét tổ hợp môn Toán - Lý -Hóa; Toán - Lý - tiếng Anh; Toán - Hóa - tiếng Anh và Toán - Văn - tiếng Anh. Điểm xét học bạ là 18 trở lên đối với bậc ĐH. Đối với CĐ thì chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Dù xét hình thức nào đều có cơ hội nhận học bổng như nhau, 21 điểm trở lên nhận học bổng 25% học phí, 24 điểm trở lên 50% học phí, 27 điểm trở lên học bổng là 100% phí.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh hỏi tại hội trường: Em muốn học ngành điều dưỡng tổ hợp Toán - Hóa - Sinh, mức điểm chuẩn từ bao nhiêu đến bao nhiêu? Ngành điều dưỡng có xét môn Anh văn không, môn này em học hơi yếu? Điểm liệt là mấy điểm?
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM: Ngành điều dưỡng được đào tạo ở nhiều trường khác nhau như Trường ĐH Y dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngoài môn toán, hóa, sinh còn có yếu tố phụ là môn Anh văn. Ngành điều dưỡng ĐH Y dược TP.HCM còn đòi hỏi tiêu chí phụ ở môn sinh học, phải đạt ngưỡng điểm nhất định.
Học sinh hỏi tại hội trường: Em muốn học ngành điều dưỡng tổ hợp Toán - Hóa - Sinh, mức điểm chuẩn từ bao nhiêu đến bao nhiêu? Ngành điều dưỡng có xét môn Anh văn không, môn này em học hơi yếu? Điểm liệt là mấy điểm?
Học sinh hỏi tại hội trường: Em muốn học ngành điều dưỡng tổ hợp Toán - Hóa - Sinh, mức điểm chuẩn từ bao nhiêu đến bao nhiêu? Ngành điều dưỡng có xét môn Anh văn không, môn này em học hơi yếu? Điểm liệt là mấy điểm?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin về ngành liên quan đến sức khỏe của trường: Ở trường, có xét tuyển ngành dược. Với ngành này, năm nay, trường bắt đầu thêm khối xét tuyển Toán - Hóa - tiếng Anh, bên cạnh khối truyền thống trường xét tuyển ngành dược vẫn là Toán - Hóa - Sinh và không đòi hỏi trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên ngành dược phải tiếp cận với tài liệu tiếng Anh rất nhiều nên trong quá trình học các em sẽ được chú trọng đào tạo tiếng Anh để đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh của ngành ở đầu ra.
Một phụ huynh tại hội trường đặt câu hỏi: Thí sinh nếu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở cùng lúc 2 trường ĐH thì không trúng tuyển NV1 của trường này sẽ được xét NV1 của trường kia (xét theo chiều ngang) hay thí sinh sẽ được xét tiếp NV2 của cùng trường (đã rớt NV1) (tức xét theo chiều dọc)? Xin cho biết thêm về việc xét tuyển theo nhóm trường ĐH?
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, thông tin về xét tuyển theo nhóm: Hiện có một nhóm xét tuyển ở Hà Nội, gồm 10 trường và do Trường ĐH Bách khoa (Hà Nội) chủ trì. Với xét tuyển nhóm này thì trên nguyên tắc các thí sinh chỉ được tối đa 4 NV. Còn thông tin cụ thể chính thức thì chưa có.
Một thí sinh đặt câu hỏi: Em có lợi thế học giỏi tiếng Anh nhưng không muốn thi vào ngành ngoại ngữ Anh mà muốn vào ngành chuyên ngành khác. Vậy em nên học ngành nào để phát huy lợi thế này?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, tư vấn: Tiếng Anh hiện giờ vô cùng quan trọng, là một trong những điều kiện thành công đối với tất cả các ngành nghề. Vì vậy, em nên chọn ngành nào mình yêu thích, có sở trường, khối tuyển sinh mà mình có khả năng học để có khả năng đậu cao.
Tại Trường Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, em có thể học các ngành: Kinh doanh Quốc tế, Quản trị kinh doanh, Du lịch-khách sạn... là những ngành sẽ phát huy lợi thế, khả năng tiếng Anh của em.
Sinh viên học tất cả các ngành của trường sẽ có điều kiện học tập, thực tập tốt nhất và giới thiệu việc làm. Trường cũng theo dõi, đánh giá về việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp ở trường đến suốt đời.
Toàn cảnh buổi tư vấn
Một học sinh hỏi: Giữa trường ĐH công lập và ngoài công lập thì bằng cấp có tương đương hay không?
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM: Hệ thống giáo dục sau THPT thì có nhiều cấp bậc khác nhau: trung cấp, cao đẳng, ĐH. Ở 3 bậc này đều có trường công lập và ngoài công lập. Hệ thống văn bằng đều có giá trị như nhau, đều do Bộ GD&ĐT cấp vì chương trình đào tạo đều dựa vào khung của Bộ GD-ĐT từ 60-70%. Chỉ khác nhau ở mức học phí.
Doanh nghiệp không quan tâm bằng cấp đó của trường nào, quan trọng là các em có đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không. Trong đó ngoài chuyên môn còn có kỹ năng và ngoại ngữ.
Một thí sinh gửi thắc mắc: Nếu em thi 2 khối thì có được nộp hồ sơ vào 4 trường hay không?
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM: Năm nay bạn có thể đăng ký rất nhiều môn thi khác nhau (8 môn và bao trùm cả 4 khối truyền thống). Các trường xét tuyển từng ngành theo từng tổ hợp môn (chứ không chỉ theo khối truyền thống cố định như trước). Bạn có thể chọn đăng ký thi và xét tuyển theo tổ hợp môn nào (theo điều kiện tuyển sinh của trường, ở từng ngành) mà bạn giỏi, có lợi thế nhất.
Kết thúc chương trình, nhà báo Thùy Ngân chia sẻ: Chúng tôi chúc các thí sinh hoàn thành tốt hồ sơ đăng ký dự thi, chọn môn thi phù hợp và chọn được một trường ĐH ưng ý phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân. Chúc các thí sinh thành công trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 27.4 với chủ đề “Để có nhiều cơ hội trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1" tại địa chỉ www.thanhnien.vn.
Trung tâm TVTS-TT (Tổng hợp)