Tiếp tục tạo cầu nối gắn kết các hoạt động nghiên cứu học thuật quốc tế, vừa qua đại diện Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) đã tham gia Hội thảo Quốc tế do Đại học Saint Mary tổ chức tại Bayombong, Nueva Vizcaya, Philippines.
Trải qua thời gian dài chuẩn bị đề tài, các chuyên gia đã có buổi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp tại Philippines.
Đây là diễn đàn lớn để các chuyên gia và nhà nghiên cứu từ các trường đại học và viện nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau như: Philippines, Việt Nam, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Pháp, Đức, ... ở các lĩnh vực kinh tế xã hội, có niềm đam mê và ý chí xây dựng thế giới văn minh, đặc biệt là những người hoạt động trong mảng giáo dục, văn hóa,... đến trao đổi, thảo luận về những vấn đề mang tính thời sự hiện nay.
TS. Trần Anh Dũng - Phó hiệu trưởng UEF trình bày tham luận tại hội thảo
Theo đó, các báo cáo viên đã chia sẻ kiến thức, thông tin liên quan về những dân tộc thiểu số bản địa đang sống trong điều kiện cách biệt với nền văn minh của thế giới, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về các vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng thảo luận và đề xuất phương pháp, cách thức giải quyết những thách thức hiện nay như: biến đổi khí hậu, di cư, an ninh và quyền con người, tập quán và các mối đe dọa đa dạng sinh học..., phổ biến các nghiên cứu có ích cho xã hội thông qua việc xuất bản bài báo, bài nghiên cứu đầy đủ trong ấn phẩm khoa học quốc tế (ISSN: 2423-1207).
Tại hội thảo, đại diện UEF – TS. Trần Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cũng đã trình bày tham luận với những ý kiến, đóng góp trong chủ đề:
"Đối sánh chương trình đào tạo ngành Nhà hàng khách sạn với kinh nghiệm thực tế địa bàn - Xây dựng mô hình đào tạo hiệu quả cho các dân tộc thiểu số bản địa trong việc phát triển kinh tế du lịch nhà hàng khách sạn địa phương"
TS. Trần Anh Dũng – Phó hiệu trưởng UEF nhận giấy chứng nhận tại hội thảo.
Bên cạnh những hội thảo khoa học được tổ chức thường niên tại trường, việc tham gia Hội thảo quốc tế được xem là cơ hội để UEF trao đổi về học thuật, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các trường đào tạo nhóm ngành kinh tế cả trong khu vực và quốc tế. Trên cơ sở đó góp phần xây dựng, phát triển phương pháp đào tạo phù hợp nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất, hội tụ đủ tố chất, kỹ năng và ngoại ngữ, đáp ứng và thích ứng tốt với nền kinh tế hội nhập hiện tại và tương lai.
Tin: Quỳnh Anh