Menu
  
Tin UEF

UEF tham gia tư vấn truyền hình trực tuyến: Xét tuyển nhóm ngành kinh tế và sư phạm

05/08/2015
Chiều ngày 5.8, đại diện Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF), ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông đã tham dự chương trình truyền hình trực tuyến do báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức với chủ đề Chọn trường xét tuyển nhóm ngành kinh tế và sư phạm.
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân cho biết hôm nay là ngày thứ 5 các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 vào các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh nhiều thí sinh đã chọn được trường, ngành vẫn còn nhiều người đang chờ đợi thu thập thông tin để đưa ra quyết định trong thời gian tới. Tuy vậy, dù nộp hay chưa đây là lúc thí sinh rất nóng lòng chờ đợi dữ liệu các trường cung cấp 3 ngày/lần theo quy định của Bộ GD-ĐT để tham khảo khả năng trúng tuyển vào trường/ngành muốn theo học. 
Nằm trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Hướng dẫn thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ” do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện từ đầu tháng 4, chương trình tư vấn hôm này sẽ giúp thí sinh có điều kiện tìm hiểu thông tin tuyển sinh, quy định về xét tuyển của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ để tăng cơ hội trúng tuyển.
 
Các khách mời tham gia buổi tư vấn
 
Về thông tin nộp hồ sơ xét tuyển, TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết trưa nay 5.8, trường đã nhận khoảng 4.500 hồ sơ trong số 3.300 chỉ tiêu. Theo thống kê từ hồ sơ của thí sinh, phổ điểm trung bình năm nay của trường sẽ cao hơn năm trước từ 1,5 đến 3 điểm.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: Các năm trước trường tuyển sinh chung cho tất cả các ngành với mức điểm chuẩn dao động từ 19-21 điểm trong 3 năm gần đây. Năm nay có mở thêm ngành ngôn ngữ Anh (chuyên ngành tiếng Anh thương mại) tuyển sinh khối D1 với 50 chỉ tiêu. Trường xét tuyển khối D1 cho ngành ngôn ngữ Anh; các ngành còn lại xét tuyển theo 3 khối: A, A1 và D1.
Đến nay tiếng Anh thương mại có hơn 300 hồ sơ nộp vào. Các ngành còn lại nhận được gần 3.000 hồ sơ. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương lưu ý các thí sinh: các ngành còn lại (trừ ngôn ngữ Anh) sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh ở tổ hợp có điểm thi cao nhất. Sau khi kết thúc 3 học kỳ, trường sẽ tổ chức xét vào các chuyên ngành cụ thể.
 
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh
 
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Năm nay trường có hai hình thức tuyển sinh là theo điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia và theo học bạ.Tính đến 11 giờ 30 ngày hôm nay (5.8), trường nhận được 461 hồ sơ xét tuyển vào trường. Phổ điểm xét tuyển của trường là 15-23,75 điểm nên các bạn cứ tự tin nộp hồ sơ xét tuyển.
Thí sinh đặt câu hỏi tại hội trường: Thưa thầy, với điểm thi khối D1 từ 23-24 điểm thì cơ hội đậu vào trường ĐH Kinh tế có cao hay không?
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, giải đáp: Ngưỡng điểm xét tuyển của trường là 18 điểm. Cho đến thời điểm này thì thí sinh nộp hồ sơ vào trường có điểm cao nhất là 27,25 điểm. Phổ điểm của thường hiện phần lớn rơi vào khoảng 21 điểm. Vì vậy, với 23-24 điểm thì thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm.
 
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 
Một thí sinh hỏi với mức điểm 16,17 thì cơ hội đậu vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh có cao không?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh: Nguyện vọng (NV) 1 của trường là 15 điểm ĐH, 12 điểm CĐ. Ngoài xét điểm THPT quốc gia, trường còn xét học bạ THPT. Trường xét tuyển 5 tổ hợp môn (thí sinh có thể xem thêm thông tin trên website của trường). Đến sáng nay trường nhận được 461 hồ sơ. Theo thống kê hồ sơ, với số điểm 16, 17, cơ hội đậu vào trường của thí sinh sẽ rất cao.
Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi về chương trình với cùng nội dung về số điểm như: 22 điểm, 22,5 điểm, 23,75 điểm… có đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM không?
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:  Ngưỡng điểm công bố của trường là 18 điểm. Tuy nhiên số điểm sẽ phụ thuộc vào lượng hồ sơ nộp vào trường. Với số điểm trên thì các bạn có thể nộp hồ sơ vào trường. Các em nên theo dõi thường xuyên thông tin thông báo kết quả xét tuyển trên website của trường.
 
Phụ huynh đặt câu hỏi tại buổi trực tuyến truyền hình
 
Khối C 16,25 điểm có thể xét vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh không? Nếu chỉ được 14,5 điểm có thể xét tuyển vào trường không?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh: Với mức điểm này nộp ở nguyện vọng 1, thí sinh hoàn toàn an tâm về khả năng trúng tuyển của trường.Thí sinh chỉ được 14,5 điểm chưa đủ điểm sàn quy định của Bộ để vào ĐH. Vì vậy, thí sinh có thể chọn con đường xét tuyển học bạ hoặc xét tuyển vào CĐ với mức điểm này.
Bạn đọc tại hội trường đặt câu hỏi cho Trường ĐH Sư phạm: Ngành tâm lý học và Việt Nam học, khối D1, thì phổ điểm an toàn nhất là khoảng bao nhiêu? Ngành Tâm lý học có phân chuyên ngành từ đầu không?
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: Trường dự kiến điểm chuẩn trúng tuyển năm nay nay sẽ cao hơn năm ngoái 2-3 điểm. Nếu em thi khối D1 được 21 điểm thì khả năng đậu vào hai ngành trên khá nhiều. Ngành Tâm lý học không chia chuyên ngành từ đầu và bằng tốt nghiệp cũng chỉ đề là Tâm lý học.
Khép lại chương trình, nhà báo Thùy Ngân thông tin: Qua thời gian trao đổi vừa qua, chúng tôi hy vọng thí sinh đã có được những thông tin cần thiết để đưa ra quyết định nộp hoặc rút hồ sơ ra trường nào, ngành nào. Thời gian cũng còn 15 ngày, chúng tôi hy vọng thí sinh sẽ đưa ra được quyết định hợp lý.
Chúng tôi chúc các thí sinh được một trường ĐH ưng ý phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân.
 
Trần Hà (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN