Nghiên cứu - Trao đổi

KINH NGHIỆM CỦA MỸ VÀ NHỮNG GỢI MỞ HOÀN THIỆN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI...

02/06/2024

KINH NGHIỆM CỦA MỸ VÀ NHỮNG GỢI MỞ HOÀN THIỆN

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

 
Vũ Anh Sao
Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh
 
Bài viết được công bố trên Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc gia: “Biến đổi xã hội, ngôn ngữ và quản trị toàn cầu – CSLG 2024” do Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh và Cục công tác phía nam – Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức ngày 22/05/2024.
 
Tóm tắt: Lịch sử lập pháp hình sự tại Việt Nam, trong các Bộ luật hình sự 1985, 1999 và các bản sửa đổi, bổ sung, chỉ quy định chủ thể tội phạm là cá nhân, thì từ khi Bộ luật hình sự 2015 ra đời, đã quy định thêm chủ thể tội phạm là pháp nhân thương mại, đó là sự cụ thể hóa của việc hội nhập quốc tế, sự bổ sung quy định một chủ thể tội phạm mới nhằm phù hợp với các khuyến nghị của pháp luật quốc tế và nhằm để phòng, chống tội phạm một cách toàn diện và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế hơn 5 năm kể từ khi Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, số vụ án liên quan đến chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội được đưa ra xét xử tại Việt Nam là rất hạn chế. Qua bài viết này, tác giả đưa ra một số thực trạng quy định pháp luật hình sự Việt Nam về chủ thể pháp nhân thương mại phạm tội và kinh nghiệm của Mỹ để gợi mở hoàn thiện chế định này, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm.
Từ khóa: luật hình sự, pháp nhân thương mại, Mỹ, Việt Nam, hoàn thiện
 File PDF: KINH NGHIỆM CỦA MỸ VÀ NHỮNG GỢI MỞ HOÀN THIỆN...
1. Bối cảnh để quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015
Lịch sử lập pháp về hình sự Việt Nam thì Bộ luật hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997) là Bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta, tiếp theo là Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và hiện này là Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)[1]. Trong quá trình hình thành các Bộ luật hình sự, kể cả các bản sửa đổi, bổ sung; tùy vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể mà Bộ luật hình sự nước ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của quá trình quốc tế hóa pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Đối với Bộ luật hình sự 1985 thì phần hiệu lực của Bộ luật hình sự theo một số nguyên tắc của luật hình sự quốc tế và quy định một số tội phạm nhằm hướng đến bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế[2]. Tiếp đến là Bộ luật hình sự 1999 đã có những cải tiến, sửa đổi nhằm bảo đảm trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của một số điều ước quốc tế về hình sự[3]. Còn Bộ luật hình sự hiện hành của Việt Nam đã cụ thể hóa nhiều quy định, tương thích với pháp luật quốc tế, các chế định pháp luật hình sự được ghi nhận như: quyền con người; chủ thể tội phạm là pháp nhân thương mại; nguyên tắc quốc tịch thụ động chi phối trong hiệu lực về không gian của Bộ luật hình sự ….; những sự thay đổi này đến từ việc Việt Nam đã mở rộng các quan hệ hợp tác toàn diện với các quốc gia trên thế giới, là thành viên của nhiều điều ước quốc tế từ song phương, đa phương liên quan đến hợp tác đấu tranh phòng và chống tội phạm có tính xuyên quốc gia, tội phạm quốc tế, như các công ước về chống tội phạm xuyên quốc gia, tham nhũng, rửa tiền. Các công ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự này đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nội luật hóa những quy định có tính bắt buộc và phù hợp với thông lệ quốc tế, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm đáp ứng những khuyến nghị của các điều ước quốc tế về chống tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, khủng bố, tài trợ khủng bố ... mà Việt Nam là thành viên.
 
[1] Trong phạm vi bài viết, tác giả sử dụng cụm từ Bộ luật hình sự năm 2015, được hiểu là Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[2] Khoản 2, điều 5, điều 6 BLHS 1985
[3] Đào Lệ Thu, Xu hướng quốc tế hóa của luật hình sự Việt nam và vấn đề đặt ra cho lập pháp hình sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12 (412), tháng 6/2020.
TIN LIÊN QUAN