Nghiên cứu - Trao đổi

NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT CẠNH TRANH THEO PHÁP LUẬT HOA KỲ

21/09/2024
Bùi Thị Hằng Nga*
 
Tóm tắt: Với các tác động tiêu cực của mình đối với môi trường kinh doah và các giao dịch thương mại, pháp luật của các quốc gia đều có quy định ngăn cấm đối với các hành vi/ thỏa thuận gây hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, trên thực tế không phải hành vi/ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nào cũng mặc nhiên bị xem là vi phạm pháp luật cạnh tranh mà cần phải được cân nhắc, đánh giá cẩn trọng trong mối tương quan về mặt lợi ích của tất cả các chủ thể có liên quan. Do vậy, trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, để đánh giá tính vi phạm của các hành vi/ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng cả nguyên tắc lập luận hợp lý bên cạnh nguyên tắc vi phạm mặc nhiên. Bài viết phân tích và lý giải về mục đích của việc áp dụng nguyên tắc lập luận hợp lý khi đánh giá tính vi phạm pháp luật cạnh tranh của các hành vi/ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bên cạnh việc sử dụng nguyên tắc vi phạm mặc nhiên trong sự tôn trong độc quyền hợp pháp các chủ thể theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ.
Từ khóa: Nguyên tắc vi phạm mặc nhiên, Nguyên tắc lập luận hợp lý, Pháp luật Hoa Kỳ
 File PDF: NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT CẠNH TRANH THEO PHÁP LUẬT HOA KỲ
1. Đặt vấn đề
Với vai trò là “hiến pháp của nền kinh tế thị trường[1]”, Luật Cạnh tranh được ban hành và thực thi nhằm mục đích “Bảo vệ môi trường cạnh tranh/hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, thông qua đó tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam[2]”. Để đảm bảo mục tiêu đó, luật cạnh tranh sẽ ngăn cấm các hành vi hạn chế cạnh tranh[3] nhằm loại bỏ sự độc quyền của các chủ thể trên thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải hành vi nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh đều mặc nhiên gây tác hại đến môi trường cạnh tranh để phải loại trừ. Có những thỏa thuận mà lợi ích kinh tế mang lại cho các chủ thể, cho cộng đồng và xã hội cao hơn những tác động mà nó sẽ gây ra cho môi trường cạnh tranh.
Vì thế cho nên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các chủ thể, việc đánh giá hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ sẽ được thực hiện dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: nguyên tắc vi phạm mặc nhiên (per se) và nguyên tắc lập luận hợp lý (rule of reason)[4].
 

*GV Khoa Luật, Truờng Đại Học Kinh Tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh Email: ngabth@uef.edu.vn

[1] Quan điểm được thừa nhận tại bài viết: Tóm tắt kết quả rà soát luật cạnh tranh với pháp luật chuyên ngành được đăng tại trang  http://www.vca.gov.vn/NewsDetail.aspx?lg=1&CateID=272&ID=2698 truy cập ngày 24/7/2024.

[2] Bộ Công thương (2017), Tờ trình Chính Phủ về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tr3
[3] Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền. Khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018
[4] Chaitra Yadwad, Antitrust cases - rule of reason and per se illegal, Volume I, Issue 2 | ISSN: 2456-3595 page 1
TIN LIÊN QUAN