Nghiên cứu - Trao đổi

PHÁP LUẬT VỀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH XANH Ở VIỆT NAM – KINH NGHIỆM TỪ HOA KỲ

05/06/2024
Giản Thị Lê Na
GV Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp. Hồ Chí Minh
Email: nagtl@uef.edu.vn
Đặt vấn đề:
            Đối mặt với những thách thức về môi trường, đặc biệt là tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, dự án công trình xanh đang trở thành một xu hướng được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm tuy nhiên hiện vẫn còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Chính sách pháp luật của Việt Nam đối với loại công trình này còn nhiều thiếu vắng, chưa được xây dựng hoàn thiện. Trên cơ sở tìm hiểu các quy định liên quan của pháp luật Hoa Kỳ, bài viết chỉ ra một số kinh nghiệm từ đó đưa ra các đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam đặc biệt liên quan đến các chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển hơn nữa các dự án công trình xanh.
Từ khóa: công trình xanh, ưu đãi đầu tư, pháp luật Hoa Kỳ
Fild PDF: 
PHÁP LUẬT VỀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH XANH Ở VIỆT NAM – KINH NGHIỆM TỪ HOA KỲ
1. Khái niệm công trình xanh
Phong trào công trình xanh xuất hiện trên thế giới từ năm 1990 bắt đầu tại Mỹ và sau đó lan rộng ra nhiều nước trên thế giới[1].  Theo Hội đồng Công
trình xanh Hoa Kỳ (United States Green Building Council- viết tắt là USGBC), công trình xanh là một khái niệm tổng thể bắt đầu bằng sự hiểu biết rằng môi trường xây dựng có thể có những tác động sâu sắc, tích cực và cả tiêu cực đến môi trường tự nhiên cũng như đến chính những người sống trong tòa nhà hàng ngày.
Công trình xanh là nỗ lực nhằm khuếch đại những mặt tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực trong suốt vòng đời của một công trình[2]. Theo đó, mặc dù có nhiều khái niệm khác nhau về công trình xanh nhưng nhìn chung nó được hiểu là “công trình đạt được kết quả cao về quy hoạch, thiết kế, vận hành trong việc sử dụng năng lượng, sử nước, chất lượng bên trong tòa nhà, vật liệu, cấu trúc để giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các mặt tác động khác của công trình”[3].
Bên cạnh đó, Hội đồng Công trình xanh thế giới (World Green Building Council -viết tắt WGBC) cũng đưa ra định nghĩa: Công trình “xanh” là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta. Công trình “xanh” bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống”[4].
Ở Việt Nam, Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC)[5] mặc dù không đưa ra khái niệm hoàn chỉnh nhưng cũng đã có sự hình dung nhất định về công trình xanh. Theo đó, Công trình Xanh là bước phát triển tiếp theo của lĩnh vực xây dựng và bất động sản và nó đang được tiến hành. Mục tiêu là tạo ra một môi trường xây dựng bền vững, nơi chúng ta đáp ứng nhu cầu ngày nay mà không ảnh hưởng đến khả năng sinh sống trong tương lai chung của chúng ta. Công trình Xanh thường đặt ra các tiêu chuẩn và tiêu chuẩn cho thiết kế và hiệu suất ở các khía cạnh tối thiểu sau liên quan đến các dự án xây dựng như đất, nước, năng lượng, sức khỏe, nguyên vật liệu, vận tải…”[6].
Dưới góc độ pháp lý, Khoản 6, Điều 3, Nghị định 15/2021/NĐ-CP, ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định: “Công trình xanh (Green Building) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình”. Mặc dù khái niệm công trình xanh không được quy định trong các văn bản luật như Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai và các luật liên quan khác của Việt Nam, tuy nhiên khái niệm này đã được ghi nhận dưới góc độ pháp lý. Có thể thấy, khái niệm công trình xanh được pháp luật Việt Nam quy định có sự tương thích với khái niệm được đưa ra bởi Hội đồng Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) khi đều hướng đến sự hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng, nguyên liệu, tài nguyên để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài và đồng thời đảm bảo được chất lượng sống bên trong công trình.
Như vậy, có thể hiểu công trình xanh là công trình xây dựng thân thiện với môi trường, được xây dựng trên cơ sở áp dụng các nguyên tắc môi trường từ khâu thiết kế, xây dựng, vận hành cho đến quản lý nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và đồng thời còn tác động tích cực trở lại môi trường.
 
[1] Phạm Đức Nguyên, Phát triển công trình xanh ở Việt Nam – Thực trạng và đề xuất, Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/52115/phat-trien-cong-trinh-xanh-o-viet-nam--thuc-trang-va-de-xuat.aspx#:~:text=Trong%20b%E1%BB%91i%20c%E1%BA%A3nh%20%C4%91%C3%B3,%20n%C4%83m,v%E1%BB%9Bi%20Bi%E1%BA%BFn%20%C4%91%E1%BB%95i%20kh%C3%AD%20h%E1%BA%ADu, truy cập 27/5/2024
 
[2] USGBC, What is green building?, https://www.usgbc.org/articles/what-green-building, accessed May 30, 2024
[3] USGBC, What is green building?, https://www.usgbc.org/articles/what-green-building, accessed May 30, 2024
[4] Dẫn theo, Ban điều phối Chương trình Vận động phát triển Công trình Xanh Việt Nam, Công trình xanh là gì, Website tuyên truyền về Công trình Xanh Việt Nam, http://congtrinhxanhvietnam.vn/cong-trinh-xanh-la-gi-300231.html, truy cập 25/5/2024
[5] Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) được thành lập năm 2007 với mục đích nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho sự phát triển của công trình xanh tại Việt Nam. VGBC được Bộ Xây dựng Việt Nam chính thức công nhận vào tháng 3 năm 2009 và cũng đã tham gia thành lập Mạng lưới WorldGBC Châu Á Thái Bình Dương vào tháng 9/2009
[6] Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), Công trình xanh là gì?, https://vgbc.vn/cong-trinh-xanh-la-gi/, truy cập 25/5/2024
TIN LIÊN QUAN