Trò chuyện cùng Diệu Linh – cô bạn sinh viên cá tính và tài năng của UEF
1. Chào Diệu Linh, chúc mừng bạn đã nhận được học bổng Erasmus. Đầu tiêu thì bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân cho mọi người cùng biết không?
Chào các bạn, mình là Lý Hạ Diệu Linh. Hiện tại mình đang theo học ngành Quản trị Kinh doanh và Marketing của Viện Quốc tế, chương trình liên kết với Đại học Gloucestershire, Anh Quốc. Ngoài ra, mình cũng đang là Marketing Automation Developer cho một Tech Startup thuộc Australia. “Liều" là một tính từ mình chọn để miêu tả về bản thân mình. Nhờ cứ mang tâm thế là cứ “liều" đi, cứ “thử" và cứ “đi", mình đã mạnh dạn ứng tuyển học bổng Erasmus+ và đến tầm cuối năm, mình đã vinh dự giành được một trong hai tấm vé tới Đan Mạch, nhận được học bổng full-ride cho một học kỳ trao đổi tại đây.
2. Bạn biết đến học bổng Erasmus qua kênh truyền thông nào?
Mình đã biết đến học bổng trao đổi từ những ngày mình còn học năm nhất. Lúc ấy, mình chỉ nghe “phong thanh” là học bổng trao đổi chỉ dành cho những bạn có thành tích học tập đứng top trong năm 3. Nhờ “tin đồn" này mà mình đã chăm chỉ và chú ý hơn đến việc học tập và tham gia các hoạt động nhằm ghi điểm trong CV, để có cơ hội là sẵn sàng “chộp" ngay. Sau thì mình có biết tới cộng đồng Erasmus+ và Erasmus Mundus trên Facebook nơi các bạn từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng. Và nhờ “góp mặt’ đầy đủ và chăm “hóng" các thông tin mới nhất về các thông tin sự kiện, học bổng trên các trang Facebook chính, website của Trường. Tầm tháng 9/2020, mình đã đăng ký nhận thông tin học bổng Erasmus+ học kỳ mùa xuân tại Đan Mạch và được các Anh/Chị từ Viện Quốc tế hướng dẫn rất kỹ càng trong việc chuẩn bị các hồ sơ cần thiết. Trước đó, từ đầu năm mình đã để ý đến kỳ học bổng Erasmus+ trao đổi với trường Cardiff Metropolitan, Anh Quốc, và cũng đã chuẩn bị các tiêu chí ứng tuyển nhưng lúc ấy mình chưa có bằng IELTS. Với quyết tâm “phục thù" cao độ, mình lên kế hoạch phấn đấu, nỗ lực và chuẩn bị kỹ càng hơn cho đợt tiếp theo. Và thế, Đại học UCL (University College Lillebaelt) đã chào đón mình vào học kỳ mùa xuân 2021.
![]()
3. Trong suốt quá trình nộp hồ sơ học bổng, bạn có gặp khó khăn gì không?
Để nói về những ngày tháng sửa soạn hồ sơ học bổng, mình đã “trầy da tróc vẩy" với việc sửa đi sửa lại đến trăm lần các giấy tờ để đảm bảo hồ sơ mình được trau chuốt và có xác suất đậu học bổng cao nhất. Mình nhớ lúc mình còn chưa có kinh nghiệm trong việc tạo CV, chiếc CV ban đầu mình dự định mang nộp tận 5 trang, mà mình đã may mắn được các Anh/Chị thuộc Viện và thầy Hoàng Minh, đã hỗ trợ mình nhiệt tình để có được “chiếc" CV cực chuyên nghiệp. Và trong lúc viết thư động lực, làm sao để viết lên một bản thư có thể truyền tải được cá tính của bản thân, vừa thể hiện sự quyết tâm, các kế hoạch một cách rõ ràng, có ý nghĩa mà đảm bảo được sự nhất quán và chân thành cũng là một cái task đau đầu với mình. Thông qua việc chuẩn bị các giấy tờ, tham khảo kinh nghiệm từ các hunters, mình đã học hỏi, rút kinh nghiệm và lĩnh ngộ ra khá nhiều ý tưởng hay ho để dần hoàn thiện và tạo tính liên kết và sự hấp dẫn cho hồ sơ của mình. Một phần các ý tưởng này mình có từ lúc mình trải nghiệm các hoạt động của United Nations, một phần khác đến từ mong muốn thật sự được thể hiện, được chứng tỏ chất “trẻ" của mình.
Mình có một tip nhỏ cho các bạn và các em là hãy lên danh sách và chú ý tới các thông tin học bổng từ những trang uy tín, để nắm rõ các điều kiện ứng tuyển. Ngoài ra, việc tìm hiểu rõ những mong đợi (expectations), nét đặc biệt, văn hoá của trường và thậm chí cả quốc gia offer học bổng cho bạn cũng là một điểm cộng lớn đấy. Theo mình, không phải tất cả các học bổng đều nhắm đến việc lựa chọn người GIỎI nhất, mà là người PHÙ HỢP nhất với những tiêu chí, mong đợi từ trường. Khi mình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng, mình đã customize hồ sơ làm sao để vừa thể hiện được cá tính của mình, như với học bổng này mình đã lựa chọn trả lời câu hỏi “Who am I?” nhưng cũng khéo léo thể hiện được nét tương đồng trong cá tính của mình với Đan Mạch. Với việc hiểu rõ về bản thân mình, về các điểm mạnh, cá tính và nét văn hoá của các nước mình apply học bổng, đã giúp mình ghi điểm kha khá với Hội đồng Tuyển chọn đấy. Đồng thời, keyword “Chân Thật" (Honest) cũng là từ khoá đắt giá mình đã luôn ghi nhớ và áp dụng.
![]()
4. Bạn hãy chia sẻ một chút về lợi ích bạn có được khi nhận học bổng?
Khi mình nhận được thông báo được chọn làm học sinh trao đổi kỳ mùa xuân 2021, mình đã rất hứng khởi vì đây sẽ là lần đầu tiên mình được tới Châu Âu, chưa kể sẽ được sinh sống và học tập tại đấy với sự hỗ trợ bởi Quỹ liên minh Châu Âu Eramus và trường UCL. Ngoài lợi ích về tài chính, giá trị về tinh thần và các trải nghiệm mình nhận được đối với mình còn quý giá hơn rất nhiều.
Mình đã được tiếp cận một trong những nền văn hoá của một quốc gia phát triển có hệ thống toàn diện từ y tế, an ninh lợi ích xã hội, giáo dục đến con người. Mọi người ở đây ai cũng thân thiện và giúp đỡ mình nhiệt tình lúc mình còn bỡ ngỡ trong thời gian mới qua và chưa thích nghi kịp. Chuyến đi này cũng mang cho mình nhiều cơ hội để giao lưu và kết thêm nhiều bạn đến từ những quốc gia khác nhau trong Châu Âu. Từ đấy, mình đã có cơ hội chia sẻ thêm về nền văn hoá Việt Nam và lắng nghe, quan sát những khác biệt trong văn hoá từ nước bạn. Trong thời gian sống xa nhà, mình đã trở nên độc lập hơn và có thêm nhiều bài học với kĩ năng mềm như thích nghi văn hoá, quản lý tài chính, cân bằng giữa việc học tập và rèn luyện sức khoẻ, cũng như mở rộng các mối quan hệ xã hội.
Ngoài ra, tại Đan Mạch, mình hình thành sở thích và thói quen mới là đạp xe. Đan Mạch là một quốc gia có hệ thống đường xá thân thiện với xe đạp và rất nhiều người ở đây đạp xe, có những ngày mình đạp xe và đi bộ xuyên rừng 15km, nghe tiếng chim hót và cảm nhận cuộc sống. Ở đây, mình đã học được cách cảm nhận cuộc sống theo đúng nghĩa “hygge", một phong cách sống sống đề cao sự mãn nguyện và hạnh phúc thông qua việc tận hưởng những điều đơn giản trong cuộc sống. Từ đó, mình đã có lối sống và cách nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn, sống chậm lại, quan tâm chăm sóc đến những thứ và mọi người xung quanh. Và tuy sống xa nhà và xa những món ăn Việt Nam quen thuộc, mình cũng đã có cơ hội để thử ẩm thực đa dạng của vùng Bắc Âu, Nam Âu, Trung Đông, học nấu nướng và làm những món bánh truyền thống các nước cùng bạn bè cũng là những trải nghiệm và khoảnh khắc mình sẽ không bao giờ quên.
5. Diệu Linh cảm thấy học ở Đan Mạch có điều gì thú vị và khác hơn khi học trong nước không?
Dù mình chỉ có cơ hội được học tập tại UCL nhưng với ảnh hưởng của dịch Covid 19 và các quyết định giãn cách của Chính phủ Đan Mạch, hơn 2/3 thời gian là mình học online, kể cả lúc thi mid hay final-term. Mình nhận ra điểm thú vị đầu tiên là TKB của các lớp đều được xếp rất random, nghĩa là cứ mỗi tuần là sẽ có lịch học khác nhau vào các ngày khác nhau, không tuần nào giống tuần nào. Và điều tiếp theo là học tại UCL, các giáo viên sẽ mong đợi sinh viên có được kiến thức tổng quát và sự liên kết về các nội dung các theme học nên sẽ không phân biệt rõ ranh giới giữa các môn học trong các tuần giảng dạy và kể cả lúc kiểm tra. Ngoài ra, mình thấy cách bên trường UCL tạo điều kiện cho sinh viên được làm việc trực tiếp, nghiên cứu và nêu giải pháp, tạo các kế hoạch mới cho các doanh nghiệp SMEs mảng Hospitality của Đan Mạch để làm bài final cũng khá hay. Từ đấy, các skillsets như làm việc đa văn hoá, phân tích tài chính, quản lý dự án, phân tích dữ liệu và các yếu tố vĩ mô, vi mô, marketing ôm cốt lõi bản chất ngành dịch vụ khách sạn mang trọng tâm là con nguời, cũng được chương trình dạy lồng ghép và liên kết chặt chẽ.
Và ở đây, tần suất giáo viên cho học sinh tự tìm hiểu bài, soạn thuyết trình sẵn để lên lớp và thảo luận các câu hỏi là cực nhiều. Nên mình thấy điều này khá hay vì sẽ rèn tính chủ động cho các bạn sinh viên tự chuẩn bị, đọc trước chứ vào lớp sẽ bị miss kiến thức rất nhanh. Và bên Đan Mạch mình thấy xây dựng hệ thống bài sáng tạo, khi vẫn tạo cảm giác nhẹ nhàng nhưng vẫn có tính liên kết và thực tiễn.
6. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn về chuyến đi này?
Với mọi giây phút tại Đan Mạch của mình đều là những kỷ niệm mà mình không thể nào quên. Nhưng có lẽ điều đặc biệt và đáng nhớ nhất đối với mình có lẽ là những chuyến đi và những kỷ niệm cùng với những người bạn. Đợt học sinh trao đổi này do dịch nên tổng chỉ có 4 trên 22 bạn là có thể nhập cảnh vào Đan Mạch, điều này đã giúp chúng mình gắn bó với nhau hơn như những tri kỷ dù đến từ các quốc gia và hoàn cảnh khác nhau. Và họ cũng là những người bạn đồng hành với mình trên các chuyến đi “lên rừng xuống biển" tại Đan Mạch. Và dù tồn tại nhiều hạn chế về nhập cảnh của các nước do dịch nên mình đã không có nhiều cơ hội hơn để đi trải nghiệm các nước khác, nhưng mình vẫn vui vì vẫn có cơ hội đi tự do trong lãnh thổ Đan Mạch. Với Đan Mạch mình đã đến hầu hết các thành phố lớn, nhiều biển và một vài đảo, mỗi nơi lại mang cho mình một dấu ấn khó quên. Có những ngày mình cùng các bạn tận hưởng ngày nắng tại Munke Mose park, lúc đi hiking tại Fyns Hoved, Skagen, lúc tắm biển những ngày lạnh ngắt, lúc cùng đạp xe/đi bộ qua rừng nhìn hoa nở, lúc cỗ vũ đội Đan Mạch mùa Euro, những bữa tiệc nho nhỏ chơi Ping Pong và hát Karaoke tới 4 giờ sáng.. và những cái ôm thật lâu khi một người bạn nữa lên đường trở về quê hương. Tất cả đều là những ký ức rất đẹp của mình về quãng thời gian của mình tại Đan Mạch.
Nếu có cơ hội, hãy đến Đan Mạch và cảm nhận “chất” bình yên đặc biệt chỉ có ở đây nhé! ^^
V.QT